Quy định về dán nhãn năng lượng với xe ô tô, xe máy điện

  1. Căn cứ pháp lý
  • Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12
  • Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
  • Thông tư 48/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện
  1. Quy định về dán nhãn năng lượng với xe ô tô, xe máy điện

Việc dán nhãn năng lượng với xe ô tô, xe máy điện quy định như sau:

– Cơ sở sản xuất, lắp ráp (SXLR), nhập khẩu (NK) tự in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương.

– Đối với các xe cùng sử dụng chung một Báo cáo thử nghiệm tiêu thụ năng lượng thì cơ sở SXLR, NK có thể công khai thông tin trên cùng một nhãn năng lượng.

– Vị trí dán nhãn năng lượng:

+ Đối với xe ô tô con thuần điện và xe ô tô con hybrid điện nạp điện ngoài: nhãn năng lượng phải được dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau, tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe.

Đối với trường hợp khó quan sát khi dán bên trong xe thì được phép dán bên ngoài xe tại vị trí dễ quan sát.

+ Đối với xe gắn máy thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe mô tô hybrid điện: nhãn năng lượng phải được dán tại vị trí dễ quan sát.

  1. Kiểm tra, giám sát liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng

Cơ quan quản lý chất lượng (QLCL) tổ chức kiểm tra, giám sát liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng như sau:

– Hằng năm, lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ năng lượng, thực hiện dán nhãn của cơ sở SXLR, NK và kinh doanh xe theo hướng dẫn tại Chương III Thông tư 48/2022/TT-BGTVT.

– Kiểm tra đột xuất trong trường hợp nhận được phản ánh, khiếu nại có căn cứ về dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc thực hiện dán nhãn năng lượng của cơ sở SXLR, NK.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng đối với mức tiêu thụ năng lượng đã công khai, cơ quan QLCL có quyền yêu cầu cơ sở SXLR, NK phải thử lại mức tiêu thụ năng lượng và thực hiện việc công khai lại thông tin về mức tiêu thụ năng lượng.

  1. Trách nhiệm của cơ sở SXLR, NK và kinh doanh xe về việc dán nhãn năng lượng

– Thực hiện công khai thông tin mức tiêu thụ năng lượng và dán nhãn năng lượng cho xe theo hướng dẫn tại Thông tư 48/2022/TT-BGTVT trước khi đưa ra thị trường.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của báo cáo thử nghiệm và nội dung mức tiêu thụ năng lượng đã công khai.

– Cơ sở SXLR, NK lưu trữ tài liệu liên quan đến công khai thông tin mức tiêu thụ năng lượng, gồm: bản công khai mức tiêu thụ năng lượng; bản sao báo cáo về mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe tối thiểu 3 năm kể từ thời điểm dừng SXLR, NK kiểu loại xe.

– Cơ sở SXLR, NK thực hiện báo cáo định kỳ gửi về cơ quan QLCL bao gồm các thông tin như sau:

+ Tên báo cáo: báo cáo định kỳ về việc dán nhãn năng lượng;

+ Nội dung yêu cầu báo cáo: số lượng các kiểu loại xe dán nhãn năng lượng; tiêu thụ năng lượng trung bình chung trong 01 năm của mỗi cơ sở SXLR, NK;

+ Đối tượng thực hiện báo cáo: cơ sở SXLR, NK;

+ Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đăng kiểm Việt Nam;

+ Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử; được gửi bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính, gửi qua hệ thống thư điện tử, các phương thức khác theo quy định của pháp luật;

+ Thời hạn gửi báo cáo: chậm nhất là ngày 20/12 hằng năm;

+ Tần suất thực hiện báo cáo: báo cáo định kỳ hằng năm;

+ Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo;

+ Mẫu biểu số liệu báo cáo: theo hướng dẫn tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư 48/2022/TT-BGTVT.

– Cơ sở SXLR, NK có trách nhiệm báo cáo cơ quan QLCL khi có các thay đổi liên quan đến thông tin nhãn năng lượng đã công khai để được xem xét và giải quyết.

  • English
  • Tiếng Việt