Quy định pháp luật về Hợp đồng li xăng

  1. Căn cứ pháp lý
  • Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 8/7/2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
  • Nghị định số 122/2010/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.
  1. Hợp đồng li xăng là gì?

Hợp đồng li xăng được hiểu là một văn bản thỏa thuận về việc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ còn gọi là người cấp li xăng cho phép người khác gọi là người nhận Li xăng) sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ của mình, trong khi vẫn tiếp tục giữ quyền sở hữu các quyền đó. Hai bên thỏa thuận thống nhất với nhau về việc cho phép sử dụng các quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ, đặc biệt về phạm vi lãnh thổ, mục đích, thời hạn chuyển giao quyền sử dụng.

  1. Đối tượng của hợp đồng li xăng

Theo quy định tại Điều 141, Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ thì đối tượng của loại hợp đồng này bao gồm:

  • Quyền sở hữu trí tuệ: Ví dụ như các sáng chế, tác phẩm, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu,…
  • Quyền đối với công nghệ: Đối với đối tượng này, người cấp li xăng phải chứng minh được mình là chủ thể độc quyền sử dụng với tài sản trí tuệ trên, tức là phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ như bằng độc quyền sáng chế, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bằng độc quyền giải pháp hữu ích,…
  1. Phân loại hợp đồng li-xăng

Theo Điều 143 của Luật Sở hữu trí tuệ thì hợp đồng li xăng được phân thành 3 loại, bao gồm:

  • Hợp đồng li-xăng độc quyền: Đây là loại mà theo đó bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất cứ bên thứ ba nào khác và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó trong trường hợpđược phép của bên được chuyển quyền. Đồng thời bên được chuyển quyền sẽ được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi, thời hạn chuyển giao.
  • Hợp đồng li-xăng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.
  • Hợp đồng li-xăng thứ cấp: đây là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.

Ngoài ra, theo tính chất tự nguyện thì  hợp đồng này còn được chia thành hai loại khác nhau:

  • Hợp đồng li-xăng tự nguyện: là hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo ý muốn của chủ sở hữu đối tượng. Chủ sở hữu có thể tuỳ chọn việc chuyển giao cho bất kỳ đối tượng nào mà không phải bị bắt buộc thực hiện.
  • Hợp đồng li-xăng bắt buộc: là việc cá nhân, tổ chức nắm độc quyền sử dụng đối với sáng chế bị bắt buộc phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho một cá nhân, tổ chức khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế đó trong các trường hợp như vì mục đích y tế, an ninh, quốc phòng, phi thương mại,… theo quy định pháp luật.
  1. Nội dung của hợp đồng li xăng

Hợp đồng li xăng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung cần thiết theo quy định của pháp luật. Những nội dung này đã được quy định rõ trong Điều 144 của Luật sở hữu trí tuệ bao gồm:

  • Tên, địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên nhận quyền.
  • Căn cứ chuyển quyền sử dụng
  • Đối tượng của hợp đồng
  • Dạng hợp đồng
  • Phạm vi chuyển quyền sử dụng: giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ, hoặc giới hạn về giá bán.
  • Thời hạn hợp đồng
  • Giá chuyển quyền sử dụng và phương thức thanh toán (trọn gói hoặc theo kỳ)
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên chuyển quyền và nhận quyền
  • Giải quyết tranh chấp giữa hai bên: Khó có thể xác định trước những vấn đề có thể gây rắc rối cho bên bất kỳ trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng li- xăng. Do vậy, vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp cần thiết phải được quy định trong hợp đồng.
  • Chữ ký của người đại diện cho các bên
  1. Hiệu lực của hợp đồng li xăng

– Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp có căn cứ xác lập quyền dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được tiến hành đăng ký đúng thủ tục tại các cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

– Với các đối tượng sở hữu công nghiệp có căn cứ xác lập quyền dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng công nghiệp chỉ có hiệu lực theo thoả thuận của các bên. Trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, hợp đồng li xăng khác phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới được coi là có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.

Như vậy, Hợp đồng li xăng sẽ có hiệu lực theo thoả thuận của các bên, nếu có bên thứ ba tham gia thì hợp đồng này cần phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới được coi là có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.

  • English
  • Tiếng Việt